Nếu hiệu suất làm việc của nhân viên đang ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số kinh doanh của công ty, điều quan trọng nhất để giải quyết được vấn đề đó là phải phân tích khoảng cách kỹ năng của từng nhân viên để có những khóa đào tạo phù hợp, nhằm nâng cao năng lực làm việc của mỗi cá nhân, tạo ra sự hài lòng với khách hàng và làm cho doanh nghiệp phát triển trở lại.
Hầu hết, công cụ này ít khi được các doanh nghiệp quan tâm, tuy nhiên đây là một trong những cách hiệu quả nhất để xác định các kỹ năng mà nhân viên đang thiếu cũng như cần nâng cao và đào tạo lại để giúp doanh nghiệp theo kịp những thay đổi của thị trường.
Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu được 4 bước thực hiện phân tích khoảng cách kỹ năng chính xác. Sau đây, sẽ là 3 bước còn lại giúp doanh nghiệp phân tích khoảng cách kỹ năng hiệu quả.
5. Đo lường các kỹ năng hiện tại
Trên thực tế, để phân tích khoảng cách kỹ năng có khá nhiều phương pháp đo lường cụ thể. Phổ biến nhất là các cách sau đây:
- Kiểm tra các chỉ số hiệu suất chính (KPI) của từng nhân viên và xác định cách mỗi nhân viên đóng góp cho doanh nghiệp
- Tiến hành đánh giá kỹ năng bằng khảo sát, làm bài kiểm tra hoặc phỏng vấn nhân viên
- Xác định rõ những kỹ năng hiện tại của từng nhân viên bằng cách thiết lập quy trình phản hồi nội bộ. Theo đó, công ty sẽ lấy ý kiến từ các đối tượng tiếp xúc với nhân viên như: quản lý, đồng nghiệp và cả bản thân nhân viên đó. Bởi với những đối tượng khác, họ sẽ có những góc nhìn khách quan hơn về những mặt còn thiếu sót của nhân viên đang cần khảo sát, đồng thời tiếp nhận ý kiến từ chính nhân viên đó cũng tạo cho họ có cơ hội nhìn nhận lại bản thân đang hổng những kiến thức nào để doanh nghiệp có phương án đào tạo nhân sự hợp lý.
6. Tìm ra khoảng trống trong kỹ năng
Bằng cách tiến hành phân tích khoảng cách kỹ năng, doanh nghiệp sẽ biết rõ được hiện tại từng bộ phận, từng nhân viên đang thiếu hụt kỹ năng gì và điều đó ảnh hưởng đến mục tiêu tương lai công ty muốn hướng tới ra sao. Vì vậy, cần xác định những thách thức cụ thể mà công ty đang phải đối mặt sớm để đưa ra những chiến lược đào tạo hiệu quả.
Vậy những khoảng trống trong kỹ năng có thể tìm thấy ở những vấn đề nào? Ví dụ:
- 70% nhà tuyển dụng bán lẻ đang gặp khó khăn khi tìm kiếm các ứng viên bán hàng có kinh nghiệm, kỹ năng đồng đều.
- Các ngành sản xuất dự đoán sẽ có hơn 2 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất không được đáp ứng ở Mỹ trong thập kỷ tới, do sự thiếu hụt các kỹ năng về kỹ thuật ở cả nhân viên hiện tại và nhân viên mới. Mức thâm hụt đó đang có xu hướng tăng lên 7,9 triệu người vào năm 2030, dẫn đến mất doanh thu lên tới 607,1 tỷ USD
- Trong vòng 3 năm tới, lĩnh vực dịch vụ tài chính và kinh doanh dự kiến sẽ thâm hụt gần 3 triệu lao động do sự gia tăng nhanh chóng và áp dụng các công nghệ đột phá. Sự thâm hụt sẽ là kết quả của việc thiếu các ứng viên đủ tiêu chuẩn có khả năng sử dụng các công nghệ đột phá nói trên. Đến năm 2030, khoảng cách kỹ năng đó sẽ dẫn đến thâm hụt 10,7 triệu nhân viên, tương đương với 1,3 nghìn tỷ đô la doanh thu bị mất
- 54% công ty đang gặp phải khoảng cách về kỹ năng kỹ thuật số
7. Thực hiện hành động sau khi phân tích khoảng cách kỹ năng
Khi các doanh nghiệp đã phân tích khoảng cách kỹ năng và tìm ra những lỗ hổng, chúng ta sẽ bắt đầu lập kế hoạch để triển khai đào tạo nhân lực thông qua sự kết hợp của đào tạo hoặc tuyển dụng.
Đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho các nhân viên hiện tại giúp doanh nghiệp tối đa hóa các kỹ năng mới, phát triển toàn diện năng lực cho những nhân viên tiềm năng.
Làm điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa cấp độ kỹ năng hiện tại của họ và cấp độ kỹ năng mong muốn của tổ chức. Ngoài ra, khi thực hiện đào tạo và cho họ biết chiến lược lâu dài, sự kỳ vọng của doanh nghiệp vào họ, khả năng cao những nhân viên đó sẽ gắn bó lâu dài vì đó là sự tin tưởng của công ty, muốn đầu tư giúp họ phát triển sự nghiệp, đồng thời giữ chân được những nhân viên đó cũng giúp công ty không bị “chảy máu chất xám”, dễ dàng phát triển bền vững trong tương lai.
Hiện nay, có một số cách để tiến hành đào tạo nhân sự như sau:
- Tự mình cung cấp khóa đào tạo hoặc dựa vào kiến thức chuyên môn của các công ty đào tạo chuyên nghiệp để tổ chức các buổi đào tạo hoặc hội thảo cho nhân viên của mình
- Ngoài việc đào tạo nhân viên để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng, doanh nghiệp có thể đầu tư vào các phần mềm đào tạo trực tuyến để cung cấp các kiến thức về ngành, công nghệ nhanh nhất cho nhân viên.
- Nhà quản lý trực tiếp điều hành các chương trình cố vấn cho nhân viên để hỗ trợ chuyển giao các kỹ năng và kiến thức.
- Yêu cầu nhân viên tham dự các sự kiện hoặc hội nghị dành riêng cho ngành để đạt được những kỹ năng mới.
- Phát triển các chương trình lý thuyết đi đôi với thực hành để nhân viên có thể áp dụng ngay kiến thức vào trong công việc thực tế.
- Đưa ra các đánh giá kỹ năng để làm thước đo trong quá trình tuyển dụng.
- Nếu khoảng cách về kỹ năng quá rộng, hãy cân nhắc tuyển dụng những ứng viên mới. Sử dụng kết quả phân tích khoảng cách kỹ năng để điều chỉnh yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo lựa chọn được những ứng viên tiềm năng, phù hợp với chiến lược kinh doanh trong tương lai của công ty.
Tính đến thời điểm hiện nay, có rất nhiều các tổ chức bỏ qua phương pháp phân tích khoảng cách kỹ năng, coi chúng là một phần rất nhỏ không cần phải sử dụng đến. Tuy nhiên, thực tế chúng có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược đào tạo nhân sự trong tương lai. Doanh nghiệp nào nắm bắt được tầm quan trọng của phân tích kỹ năng nhân viên, doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ có những bước tiến xa trong thương trường. Bởi nhân sự có năng lực, doanh nghiệp mới phát triển bền vững.
Để theo dõi thêm những kiến thức mới về phân tích khoảng cách nhân viên, hãy đón đọc những bài viết mới trong Đào Tạo Nội Bộ nhé!
=> Xem thêm: 7 bước tiến hành phân tích khoảng cách kỹ năng hiệu quả (P1)